TIN TỨC
TRẢ LỜI NHƯ THẾ NÀO CHO NHỮNG CÂU HỎI “KHÓ ĐỠ’ CỦA TRẺ
Nhiều ông bố, bà mẹ thường hay bảo con là đi chỗ khác chơi
hoặc con còn nhỏ nên chưa biết để né tránh những câu hỏi “ngoài sức tưởng tượng”
của trẻ. Tuy nhiên, đó là một phương pháp sai lầm, rất dễ đẩy trẻ tới tâm lý e
ngại, ngại hỏi, ngại tò mò. Điều này sẽ khiến trẻ khó phát triển trí não và ảnh
hưởng đến tâm lý của trẻ.
Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là, thay vì trốn tránh bố mẹ
nên chọn cách đối thoại với con một cách thật nghiêm túc. Những câu trả lời của
bố mẹ hôm nay có thể sẽ gây ấn tượng đầu tiên cho con mạnh đến nỗi, con sẽ nhớ
mãi cho đến khi lớn lên.
Dưới đây là những câu hỏi thường gặp của trẻ con, biết đâu bạn
sẽ thấy thật quen thuộc.
1. Ngoài làm mẹ ra thì mẹ còn làm gì nữa?
Có lẽ con đã quen với việc mẹ phải đi làm mỗi ngày hoặc ở
nhà mỗi ngày, và bắt đầu thắc mắc về nghề nghiệp của mẹ. Trẻ con khá đơn thuần,
vì thế ngoài những công việc phổ biến như giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, cảnh sát...
con chưa biết gì về những công việc khác.
Đây là cơ hội để mẹ chia sẻ một chút với con về công việc của
mình và đừng quên chuyện quan trọng nhất, tìm một cụm từ chỉ chức danh nghề
nghiệp của mình để dễ nhớ và có thể trả lời khi nói chuyện cùng bạn bè như là:
Công chức, viên chức, biên tập viên, nhân viên kinh doanh...
2. Sao mẹ lại lấy bố?
Hãy nhớ lại lúc còn nhỏ, chúng ta cũng khá tò mò với
"chuyện tình" của bố mẹ. Điều đó cũng dễ hiểu, vì ảnh hưởng từ những
câu chuyện cổ tích luôn khiến chúng ta gắn hình ảnh của bố với người hùng, hình
ảnh của mẹ với người đẹp.
Khi con quan tâm đến vấn đề này, hầu như mọi người vì ngượng
mà thường quát nạt con. Điều đó có thể làm cho con cảm thấy tổn thương và cho rằng
đó là một đề tài u tối.
Hãy cho con vài đáp án để con cảm thấy hài lòng cũng như cảm
nhận được tình yêu thương trong gia đình của mình. Một vài ưu điểm của người bạn
đời trong mắt bạn là những gợi ý hay ho.
3. Mẹ thấy con giống mẹ không? Con giống bố ở điểm nào?
Trẻ con cũng khá là nhạy cảm trong những vấn đề có liên quan
đến bản thân hoặc gia đình. Những cuộc nói chuyện với bạn bè ở lớp hay vài lời
trêu ghẹo của người lớn có thể làm con thắc mắc trong lòng. Và con chọn mẹ để
giải đáp những thắc mắc đó. Mẹ đừng phụ sự mong mỏi của con nhé!
Sự đồng thuận của bố mẹ trong việc con giống bố mẹ, con
không phải con nuôi, con không phải được nhặt từ bãi rác sẽ là động lực lớn lao
trong việc xây dựng niềm tin vào bản thân cho con.
4. Mẹ thích ai nhất trong mấy anh chị em chúng con?
Một câu hỏi hóc búa và hầu như không ông bố bà mẹ nào trả lời
trực diện được. Ám ảnh về sự thiên vị của bố mẹ đối với một ai đó trong số các
anh chị em vì những lý do riêng thường không kết thúc ở tuổi thơ mà kéo dài đến
tận khi trưởng thành. Hãy khéo léo trả lời để không đứa con nào của mình phải
buồn cả, và nhớ là trong đối xử cũng đừng khác biệt nhau nhiều quá nhé, điều đó
thật sự không tốt cho tâm lý của con.
5. Làm bố/mẹ có khó không mẹ ơi?
Hầu như câu trả lời trong trường hợp này là "Khi làm
nào bố/mẹ rồi con sẽ biết!". Sự thật đúng là như vậy, nhưng với một đứa trẻ,
câu trả lời này quá trừu tượng và chẳng có ý nghĩa gì cả. Sẵn dịp này, mẹ có thể
chia sẻ với con một chút về việc làm mẹ vất vả của mình, biết đâu con sẽ hiểu
hơn, thông cảm hơn, thương mẹ hơn và ngoan hơn thì sao? Dù còn nhỏ nhưng con
cũng biết suy nghĩ rồi chứ bộ.
6. Con có thể giúp mẹ gì không?
Đây hoàn toàn là câu hỏi xuất phát từ ý tốt, nhưng mẹ thừa
biết một bãi chiến trường đang chờ đợi mình ở thì tương lai. Nhưng không lẽ lại
để con có cảm giác rằng mình thật là vô dụng, mẹ chẳng cần mình giúp? Mẹ có thể
nghĩ ra những việc đơn giản nhất và phù hợp với độ tuổi của con để con làm.
Không chỉ giúp con tự lập, việc phân chia lao động như vậy sẽ cho con thấy được
sự trưởng thành của mình cũng như vai trò của mình trong gia đình.
7. Tại sao mẹ lại được coi phim mà con không được coi phim
hoạt hình?
Đây quả là một câu hỏi dễ dẫn đến cảnh bạo lực gia đình, chỉ
vì con cảm thấy không công bằng. (Ơ hay, làm gì có công bằng tuyệt đối, nhất là
giữa bố mẹ và con cái chứ? Có điều, con vẫn chưa thể hiểu được điều này). Càng
ra uy, quát nạt, đánh hoặc phạt con chỉ càng làm con ý thức sâu sắc thêm về sự
độc đoán, áp đặt của mẹ mà thôi. Hãy kiên quyết nói rõ ràng với con rằng, con
chỉ được phép xem phim hoạt hình một ngày bao nhiêu phút đó thôi và con không
được phép hét lên với mẹ như thế. Mẹ cứ thong thả mà "chỉnh" con chắc
chắn sẽ chiến thắng tâm phục khẩu phục còn nếu mẹ phát cáu thì rõ là mẹ đã thua
sự đáo để của con rồi.
Theo wtt
0 nhận xét