TÂM SỰ
ĐÀN BÀ ƠI – GỠ MẶT NẠ “EM ỔN” XUỐNG ĐI
Đàn bà Việt bẩm sinh đã
được “tẩy não” bằng tư tưởng “hi sinh – chịu đựng là phẩm chất cao đẹp của người
phụ nữ” cho nên họ rất giỏi đeo mặt nạ trong cuộc sống.
Đàn bà, khi còn là hài
nhi vừa mở mắt, cái chớp mắt hây hây chưa hiểu sự đời đã nhận ngay cái thở dài
của bà, giọt nước mắt của mẹ khi ẵm bồng “làm thân con gái làm chi cho tội con
ơi!”. Cái khổ của đàn bà ăn sâu vào tiềm thức của các bà, các mẹ. Nó hằn sâu đến
nỗi, các bà các mẹ cứ mở miệng ra là dạy con cái mình “ là đàn bà con gái, phải
biết nhẫn nhịn, chịu đựng, hi sinh”.
Cái thiệt thòi được
giáo dục một cách hiển nhiên và cho rằng đó là quy chuẩn đạo đức của một người
đàn bà, làm đàn bà đương nhiên là phải “tam tòng tứ đức”, đương nhiên là phải
“giỏi việc nước đảm việc nhà”. Nhiều cái “đương nhiên” đầy thiệt thòi, hẩm hiu,
đau đớn…nhưng cả xã hội này đàn bà Việt sống thế? Lẽ nào các bà, các mẹ (dù biết
con mình khổ) lại dám chống lại quy chuẩn của đám đông?
Vậy là, cứ là đàn bà
sinh ra là khổ rồi. Cái khổ của đàn bà thời nay chẳng khác thời xưa là mấy, cho
dù cái tư tưởng du di đi ít nhiều, nhưng tựu chung thì “hi sinh là phẩm chất
cao quý của người phụ nữ”, một câu trả lời trong phần ứng xử thi hoa hậu được
cánh đàn ông vỗ tay rào rào phía dưới. Cô thiếu nữ ấy còn trẻ, rất đẹp, có lẽ
mùi đời vẫn còn chưa vương nên cô khó có thể cảm nhận nổi nỗi đớn đau, bẽ bàng,
cay đắng mà từ “hi sinh” kia mang lại cho một người đàn bà.
Đàn bà Việt bẩm sinh đã
được “tẩy não” bằng tư tưởng “hi sinh – chịu đựng là phẩm chất cao đẹp của người
phụ nữ” cho nên họ rất giỏi đeo mặt nạ trong cuộc sống.
Còn nhỏ, phụ nữ khi ấy
là cô nhóc đã ý thức được phận đàn bà của mình nên rất ngoan, bố mẹ chiều em
trai thì cũng không lấy làm ấm ức, bởi vì thân làm chị, lại là con cái, sau này
rời xa cha mẹ đi làm dâu con người ta, em trai thì chăm sóc bố mẹ, nên cớ gì mà
ganh tỵ với em? Thế là phải nhường, phải nhịn và coi đó là một lẽ đương nhiên.
Nhưng, nhiều khi cái ấm
ức trỗi dậy. Em hư, cái gì em cũng có, mình ngoan thì không được quà. Ông bà
cưng chiều em, mình thì không. Tại sao? Mình cũng là con của bố mẹ, là cháu của
ông bà cơ mà? Con gái bắt đầu nói lên ý kiến và đòi sự công bằng. Mẹ gạt đi
“con là chị, con là con gái, con phải…”. Một loạt tính từ được liệt kê khiến
con gái bị triệt tiêu cái quyền được công bằng, chấp nhận thân phận “mình là
con gái, mình thiệt thòi đủ thứ” và bắt đầu tập đeo mặt nạ “thản nhiên trước bất
công” để sống.
Lớn lên chút, bắt đầu
là thiếu nữ. Cái khổ từ sự phân biệt giới tính bắt đầu, cái khổ từ ngày có kinh
nguyệt nhưng vẫn phải chạy thể dục như các bạn nam, cơ thể quá đỗi nhạy cảm cả
về tâm sinh lý nhưng nhận lại sự căn dặn kiểu “Mày phải cẩn thận không thì chửa
ễnh ra là xấu mặt gia tiên tiền tổ”. Bố thì dọa, mẹ thì giải thích qua loa cho
cái chuyện dậy thì và chuyện nam nữ. Nếu tò mò, tự tìm hiểu thì kiểu gì cũng vấp
phải nỗi đau, còn nếu không lại chìm trong trạng thái lơ ngơ cái gì cũng không
biết và sẽ được khen là “con bé tồ lắm, chả biết gì?”.
Nào ai có muốn mình là
đứa con gái “tồ lắm” đâu, nhưng cái giới hạn của định kiến làm cho con gái bị
khoanh vùng hiểu biết, đến giờ vẫn có rất nhiều người lớn thở ra những tư tưởng
kiểu như “con cái học cao làm gì khó lấy chồng”, “đàn bà mà tài giỏi hơn đàn
ông thì chỉ có khổ thôi”. Đấy! Đàn bà già khổ ngay từ trong tư tưởng vì sự hạn
chế trong lối nghĩ của mình, đáng sợ là họ luôn cho nó là chân lý và đóng đinh
vào các cuộc đời non trẻ khác là con gái họ, hoặc những thế hệ đàn bà trẻ sau họ!
Đàn bà lớn lên như “bom
nổ chậm”, "tống" được đi lấy chồng mẹ cha nhẹ hết cả người, vừa đỡ sợ
nó chửa hoang, vừa thoát kiếp gái ế. Trước khi về làm con nhà người ta, mẹ nàng
lại thủ thỉ “giờ con là dâu con người ta, người ta không hài lòng con cắn răng
mà chịu. Là phụ nữ phải biết chịu đựng, hi sinh…thì gia đình mới yên ấm!”.
Vâng! Vậy là nàng mang
cái tư tưởng thấm nhuần từ trong trứng gia truyền ấy về nhà chồng, bắt đầu cuộc
đời làm vợ, làm mẹ, làm dâu và úp chiếc mặt nạ vào mặt với câu “em ổn” khi được
chồng hỏi. Cho dù “em” chẳng ổn tý nào, nhưng mẹ em, cả mẹ anh, và cả xã hội
này dạy “em” là "phụ nữ phải biết chịu đựng, phải biết hi sinh" nên
em không ổn vẫn phải cố mà ổn!
Tận sâu trong tiềm thức,
cái ấm ức về sự bất công mà đàn bà cảm thấy vẫn còn, nhưng vì định kiến, vì đã
được tẩy não nên đàn bà không dám đứng lên để nói về quyền của mình “Tại sao phải
chịu đựng? Tại sao phải hi sinh? Con người ai cũng mưu cầu hạnh phúc, giả như
tôi không thấy hạnh phúc trong việc chịu đựng và hi sinh, thì tại sao tôi lại
phải hi sinh?”. Thế nhưng, nghĩ vậy thôi
chứ phần nhiều đàn bà có cho vàng cũng không dám nói, cái mặt nạ định kiến kia
bám chắc quá, nó ăn sâu vào cơ mặt khiến đàn bà Việt phần nhiều luôn có một
khuôn mặt u ám, khắc khổ. Đằng sau chiếc mặt nạ kia luôn là những giọt nước mắt
lặng lẽ, có khi bặm môi, cắn răng mà khóc đến bật cả máu. Hạnh phúc là vậy sao?
Sự nhẫn nhịn, sự chịu đựng,
sự hi sinh là phẩm chất cần có ở bất kì ai, kể cả là đàn ông lẫn đàn bà. Và một
khi, đàn bà vẫn không dám bỏ chiếc mặt nạ “em ổn” kia ra, thể hiện đúng sự đau
đớn, sự phẫn nộ, bất bình của mình trước định kiến, thì khi ấy, đàn ông và cả
những thế hệ phụ nữ “cũ” họ sẽ mặc nhiên cho rằng “chịu đựng, hi sinh chính là
hạnh phúc của người phụ nữ!” Dù thứ hạnh phúc mà họ nghĩ ấy, thực ra là một thứ
vô minh, thứ hạnh phúc mà chỉ cần một giọt nước thôi, tất cả bi kịch khôn lường
sẽ xảy ra: giết chồng, oán thán, đánh ghen, tự tử, trầm cảm…
Này đàn bà, bao giờ các
chị mới gỡ mặt nạ ra và sống thật với chính mình?
1 nhận xét
hay quá bạn ơi
Trả lờiXóahạt điều sấy mè trắng